TRƯỜNG THCS ĐỒNG TÂM
TỔ THƯ VIỆN
|
|
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/2024
Chủ điểm: Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2024
Cuốn sách “ Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ ”
Bảo tàng Hồ Chí Minh tuyển chọn
Kính thưa các thầy cô giáo, cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho dân tộc và nhân loại. Con người, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là một chỉnh thể thống nhất, ở đó có mối liên hệ hữu cơ không thể tách rời giữa tư tưởng và hành động, giữa lý luận và thực tiễn, trong suy nghĩ và cách ứng xử. Thân thế, sự nghiệp,tư tưởng, tác phong của Bác sẽ mãi mãi là tấm gương sáng tuyệt vời để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, làm theo.
Hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024” với chủ điểm “Phát triển Văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Vì vậy trong buổi giới thiệu sách hôm nay, tôi xin giới thiệu đến các thầy, cô giáo cùng toàn thể em học sinh cuốn sách được mang tên: ‘’ Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ’’ do Bảo tàng Hồ Chí Minh tuyển chọn được nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2007 với 235 trang, khổ sách là 13 x 20,5cm với số ĐKCB là HCM-00066 được xếp trên tủ sách Hồ Chí Minh của Thư viện nhà trường. Đây là lần thứ hai cuốn sách được tái bản, việc tái bản lại cho thấy cuốn sách thực sự có giá trị và được đông đảo bạn đọc yêu thích và đón nhận.
Ngay trên phần bìa sách là hình ảnh trang trọng của Bác với chòm râu bạc, ánh mắt hiền hoà trong bộ quần áo giản dị đang ngồi trên chiếc ghế hoà mình cùng thiên nhiên của cỏ cây, hoa lá. Hình ảnh này đã toát lên một lối sống giản dị, thân thiện cùng tình yêu thiên nhiên tha thiết nơi con ngưòi Bác, gợi lên cho độc giả một tấm lòng yêu mến, cảm phục và tôn kính đối với Bác khi cầm cuốn sách trên tay. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:
Phần I: Những lời dạy của Bác về đạo đức.
Phần II: Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ.
Mỗi phần đều để lại trong lòng độc giả những ấn tượng sâu sắc về nhân cách và đạo đức cao đẹp trong con người chủ tịch Hồ Chí Minh, và để minh chứng cho điều này chúng ta hãy đi vào tìm hiểu từng phần trong nội dung của sách.
Phần I: Là những lời dạy của Bác về đạo đức được trích dẫn từ những bài nói, bài viết trong Hồ Chí Minh toàn tập và tài liệu của bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong phần này tác giả đã sắp xếp những bài nói, bài viết theo những vấn đề : Quan niệm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của đạo đức, những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam, biện pháp xây dựng đạo đức để bạn đọc tiện theo dõi. Mỗi bài viết là một lời dạy, một cách nhìn về đạo đức của Bác để giúp độc giả thấm nhuần những lời dạy và hiểu rõ về con người Bác. Như trong bài : ‘’ Cần, kiệm, liêm, chính” tháng 6 năm 1949, Bác Hồ đã viết:
‘’Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành Người’’.
Cuốn sách cũng sẽ là kim chỉ nam cho những ai muốn hoàn thiện mình và thấy tự tin khi đứng trước mọi người.
Nhưng những lời dạy của Bác không chỉ dừng lại ở lời nói mang tính chất khô cứng, triết lí mà đã được tái hiện một cách chân thực và sinh động qua những câu chuyện cụ thể, hấp dẫn về tấm gương đạo đức của Bác được tác giả sưu tầm, tuyển chọn từ các sách, báo, tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là phần II mà nội dung của cuốn sách muốn truyền tải đến với bạn đọc. Phần II gồm 68 câu chuyện gắn liền với những chặng đường hoạt động cách mạng của Người, kết hợp với những tình tiết chuyện đầy hấp dẫn và lôi cuốn, cách kể chuyện tâm tình, dễ hiểu đã giúp bạn đọc dễ dàng đọc và suy ngẫm, để từ đó rút ra được những lời dạy đáng quý về đạo đức cho riêng mình. Sáu mươi tám câu chuyện với sự đa dạng của nhân vật kể chuyện nhưng tất cả đều thắp sáng lên những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Bác chắc chắn sẽ khiến bạn đọc thấy yêu mến và bổ ích. Trong Bác luôn sáng ngời và tràn đầy tình yêu thương bao la bởi tình yêu thương ấy luôn được Bác dành cho tất cả mọi người, không quên, không bỏ sót một ai, từ những em bé mồ côi trong câu chuyện :’’ Bác Hồ đến với trẻ em mồ côi’’, cho đến những cụ già trong:’’ Nghĩa nặng tình sâu’’, rồi cả những người nghèo qua câu chuyện:’’ Có thể cho người nghèo những thứ ấy’’, và đặc biệt Bác rất quan tâm đến bộ đội và dân công. Điều này sẽ càng được sáng tỏ hơn khi chúng ta đến với nội dung của chuyện :’’ Đêm đó chúng tôi làm Bác mất ngủ’’. Câu chuyện được diễn ra năm 1948 . Đêm mùng 3 tết anh Lê Giản và anh Trần Công Trường được ngủ cùng phòng với Bác. Khi tỉnh dậy 2 anh đã thấy Bác đang ngồi sưởi bên đống củi lửa rực hồng. Hai anh vội chạy ra chào và hỏi sao Bác dậy sớm thế ?, Bác cười và nói vui :’’ Cả đêm các chú người thì ‘’xay lúa’’, người thì ‘’ giã gạo’’ ầm ầm Bác phải thức chụm lửa sưởi’’. Đọc đến đây chắc bạn đọc sễ đặt ra những câu hỏi vì sao, vì sao Bác lại dậy sớm thế ?, Vì sao Bác lại bảo các anh Lê Giản và Trần Công Trường ‘’ xay lúa’’, ‘’giã gạo’’ trong khi đang ngủ. Để trả lời cho những thắc mắc này xin mời bạn đọc hãy tìm đến trang 113 của cuốn sách để được giải đáp. Niềm xúc động và cảm phục của bạn đọc về tình yêu thương vô bờ của Bác sẽ càng được nhân đôi khi chúng ta tìm đến với chuyện: ‘’ Nhường áo, sẻ cơm’’, hay ‘’ Tấm áo lụa Bác tặng’’.
Một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Bác trong cuốn sách này còn được thể hiện ở đức tính giản dị, khiêm tốn qua những câu chuyện hấp dẫn và đầy sức thuyết phục như: ‘’ Bác Hồ đêm đông ấy’’, “ Bữa cơm trên đường đi công tác”, hay ‘’ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc’’. Với sự thiếu thốn đủ thứ trong sinh hoạt đời thường nhưng Bác của chúng ta vẫn luôn tràn đầy lạc quan và yêu đời:
‘’ Sáng ra bờ suối, tối vào hang.
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn ghế chông chênh dịch sử Đảng.
Cuộc đời cách mạng thật là sang’’.
Hay “ Hai câu chuyện về một con người vĩ đại’’ với hình ảnh đôi dép cao su đã đi vào huyền thoại làm hai vợ chồng vị Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Ấn Độ đã nghẹn ngào mà thốt lên rằng: “ Nghe tiếng đã lâu, hôm nay mới thấy tận mắt, đúng là chủ tịch Hồ Chí Minh, giản dị, thân thương quá!” . Đặc biệt khi đến với trang 192, bạn đọc sẽ không khỏi khâm phục và thích thú với cách nói đầy dí dỏm, hài ước của Bác “Chú đã rửa mặt chưa?’’ nhưng chứa đựng trong đó lại là cả một đức tính cao đẹp về tinh thần phê và tự phê qua chuyện: “Bác Hồ nói về tự phê bình và phê bình tại hội nghị tổng kết chiến dịch đường số 18” . Và còn rất nhiều những lời dạy quý báu khác của Bác về đạo đức đang ẩn chứa đâu đó trong những trang sách để chờ đợi bạn đọc cảm nhận và suy ngẫm.
Có thể nói sáu mươi tám câu chuyện như sáu mươi tám kho báu quý mà Bác đã để lại cho mỗi người dân Việt Nam để mỗi chúng ta sẽ không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu tự hoàn thiện mình, nâng cao năng lực, phẩm chất cách mạng, trở thành những con người mới góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh. Những câu chuyện tưởng như rất đời thường, nhưng khi đọc người đọc lại nhận ra qua những gì tưởng như nhỏ nhặt ấy một điều vừa giản dị, vừa lớn lao nơi một con người – đó chính là tầm vóc Hồ Chí Minh.
Với 235 trang sách dày dặn, đủ để tạo cho người đọc niềm tin tưởng sẽ luôn được động viên, khích lệ và tìm ra được những cách đi đúng đắn cho mình khi được những lời dạy và tấm gương về đạo đức của Bác soi sáng, dẫn đường. Như vậy là cuốn sách đã rất thành công khi thuyết phục độc giả đọc cho đến trang cuối cùng. Cuốn sách được trình bày rõ ràng, mạch lạc, giản dị và dễ hiểu chắc sẽ là tư liệu bổ ích để giáo dục mỗi người dân Việt Nam noi theo Bác, làm theo Bác, cuốn sách cũng là người bạn đồng hành đáng tin cậy, giúp mọi người có được hành trang cần thiết trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Cuốn sách nằm trong tủ sách Hồ Chí Minh tại thư viện nhà trường với số ĐKCB là HCM-00066 rất mong nhận được sự đón đọc nhiệt tình của các thầy, cô và các em.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!
Đồng Tâm, ngày 01 tháng 10 năm 2024
|
CÁN BỘ THƯ VIỆN
Đặng Thị Nga
|